Tìm kiếm trên Google bằng giọng nói với trình duyệt Chrome
Cập nhật 22/11/2017
Google đã mang tính năng tìm kiếm bằng giọng nói lên trình duyệt web Chrome, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm chỉ bằng cách nói với máy tính và nhận kết quả tìm kiếm cũng bằng giọng nói.
Kể từ phiên bản Chrome 25, Google đã bắt đầu áp dụng thử nghiệm tính năng hỗ trợ giọng nói Google Now cho trình duyệt web. Và tại Hội nghị Google I/O, “gã khổng lồ tìm kiếm” đã chính thức áp dụng hỗ trợ giọng nói cho chức năng tìm kiếm trên trình duyệt web Chrome của hãng.
Theo đó, tính năng tìm kiếm bằng giọng nói mới trên Chrome sẽ cho phép người dùng nói trực tiếp nội dung cần tìm kiếm vào trình duyệt web để tìm kiếm trên Google, thay vì phải gõ cụm từ tìm kiếm như trước đây. Đặc biệt, thay vì chỉ hỗ trợ đưa ra danh sách kết quả tìm kiếm trên Google, trình duyệt Chrome còn hỗ trợ đọc các thông tin chính liên quan đến kết quả tìm kiếm cho người dùng nghe.
Tính năng này cũng tương tự như “trợ lí ảo” Siri trên iOS của Apple. Chẳng hạn, khi bạn tìm kiếm với cụm từ “Barack Obama là ai”, trình duyệt Chrome sẽ liệt kê danh sách các kết quả tìm kiếm liên quan đến nội dung này trên Google, đồng thời sẽ phản hồi các thông tin chính bằng giọng nói, chẳng hạn như “Barack Obama là tổng thống thứ 44 và là tổng thống đương nhiệm của Mỹ”… Thậm chí, công cụ tìm kiếm bằng giọng nói trên Chrome còn cho thấy sự thông minh của mình, khi người dùng có thể tìm kiếm tiếp các nội dung liên quan đến thông tin tìm kiếm trước đó, dĩ nhiên cũng bằng giọng nói. Chẳng hạn, sau khi tìm kiếm với thông tin về Barack Obama như ở trên, người dùng có thể hỏi tiếp “Ông ấy cao bao nhiêu?” hay “Vợ ông ấy là ai?” mà không cần phải nêu câu hỏi cụ thể như “Vợ của Barack Obama là ai?”. Mọi kết quả phản hồi bằng công cụ tìm kiếm giọng nói trên Chrome đều chính xác, giống như người dùng tìm kiếm bằng việc gõ cụm từ tìm kiếm cụ thể.
Hướng dẫn trải nghiệm tính năng tìm kiếm giọng nói trên Chrome
Hiện tại, tính năng tìm kiếm bằng giọng nói trên Chrome mới đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được chính thức tung ra trên phiên bản Chrome thông thường mà người dùng đang sử dụng. Tuy nhiên, nếu cảm thấy hứng thú với tính năng độc đáo kể trên của trình duyệt Chrome, bạn vẫn có thể trải nghiệm thông qua phiên bản Chrome Canary, phiên bản Chrome đặc biệt của Google.
Chrome Canary được xem là như là một phiên bản đặc biệt của trình duyệt web Chrome, mà tại đây Google trang bị những tính năng mới nhất, bao gồm cả những tính năng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Người dùng phiên bản này có thể được trải nghiệm những tính năng mới nhất mà chưa có trên bất kì phiên bản Chrome nào khác. Bạn có thể cài đặt và sử dụng Chrome Canary song song với trình duyệt Chrome thông thường trên máy tính. Chrome Canary sẽ hoạt động như một trình duyệt web độc lập và không ảnh hưởng đến trình duyệt Chrome sẵn có trước đó.
Bạn có thể download Chrome Canary miễn phí tại đây: Phần mềm: Google Chrome
Sau khi cài đặt Chrome Canary, truy cập vào trang chủ của Google, bạn sẽ thấy trên thanh tìm kiếm của Google xuất hiện một biểu tượng chiếc micro, đây chính là biểu tượng để kích hoạt tính năng tìm kiếm trên trình duyệt Chrome.
Kích vào biểu tượng tìm kiếm giọng nói trên Google, một thanh công cụ hiện ra trên trình duyệt Chrome, bạn nhấn vào nút “Chấp nhận” để cho phép sử dụng tính năng tìm kiếm bằng giọng nói trên Chrome.
Lập tức, bạn sẽ được đưa đến trang tìm kiếm bằng giọng nói. Tại đây, bạn có thể nói để yêu cầu Google tìm kiếm theo nội dung mình cần. Đặc biệt, ngay từ trang kết quả tìm kiếm mà Google đã liệt kê ra sau khi tìm kiếm, bạn cũng có thể tiếp tục sử dụng chức năng tìm kiếm giọng nói như từ trên trang chủ của Google.
Để xác định nội dung tìm kiếm bằng giọng nói, trước khi tìm kiếm, người dùng cần phải sử dụng thuật ngữ “OK Google” để Chrome bắt đầu ghi nhận thông tin tìm kiếm. Tính năng cũng tương tự như thuật ngữ “OK Glass” được Google áp dụng trên chiếc kính thông minh của mình.
Hiện tại, chức năng tìm kiếm bằng giọng nói trên Chrome mới chỉ hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên, Google cho biết sẽ sớm hỗ trợ ngôn ngữ tìm kiếm bằng giọng nói mới trong tương lai gần.
(Theo Dân Trí)